Thiết kế cảnh quan khu công nghiệp
Thông tin chi tiết
Thiết kế cảnh quan khu công nghiệp
Không chỉ riêng Việt Nam hay các nước đang phát triển mà cả những nước phát triển được coi là cường quốc, ngành công nghiệp cũng đang gây ô nhiễm môi trường bởi chất thải của chúng. Khi đó, cây xanh cảnh quan khu công nghiệp được coi là rất cần thiết, xây dựng và phát triển “công nghệ xanh” đã được hình thành ở nhiều quốc gia với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Không chỉ các quận nội thành đông đúc chật chội cần có thêm không gian xanh để điều hòa không khí mà ở các khu công nghiệp tưởng chừng như chỉ toàn là máy móc khô khan cũng có thể tự mình tạo riêng cho mình một “lá phổi xanh” trong khuôn viên, ngoài tác dụng tích cực đến môi trường, tạo bóng mát cây xanh cảnh quan trong khu công nghiệp còn góp phần lớn tạo nên giá trị thẩm mỹ, giảm căng thẳng, tạo ra một môi trường làm việc và sinh hoạt “dễ chịu” với con người…
Vấn đề tiết kiệm năng lượng và tài nguyên hiện đang là trọng tâm trong nghiên cứu và phát minh khoa học – kỹ thuật – công nghệ. Trong kiến trúc, điều này dễ dàng nhận thấy qua vật liệu, công nghệ hoàn thiện, các giải pháp tạo hình không gian, cũng như kết cấu…
Gần đây, con người đang tập trung nghiên cứu, thiết kế công trình theo hướng giảm thiểu sử dụng tài nguyên và tận dụng hợp lý tiềm năng của thiên nhiên, đồng thời hạn chế thải chất độc hại ra môi trường, nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và lao động của con người. Nói cụ thể hơn, là làm sao để các đô thị phát triển cân bằng, ổn định, bền vững. Đó là lý do xuất hiện các trào lưu nghiên cứu thuộc lĩnh vực như: kiến trúc phỏng sinh, kiến trúc sinh thái (ecologic architecture), kiến trúc bền vững (sustainable architecture), kiến trúc môi trường (environmental architecture), kiến trúc tiết kiệm năng lượng (energyefficient building), và kiến trúc xanh cũng là một trong số đó.
Thiết kế cảnh quan trong khu công nghiệp
Thiết kế cảnh quan khu công nghiệp ngày nay đã trở thành một hạng mục không thể bỏ qua khi quy hoạch một khu công nghiệp. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch khu công nghiệp, đất cây xanh trong khu công nghiệp chiếm tối thiểu 10% diện tích khu đất, đối với khu công nghệ cao diện tích cây xanh chiếm từ 25-30% diện tích khu đất.
Đặc điểm chung của các xí nghiệp trong khu công nghiệp thường là những khối nhà 1 hoặc thấp tầng, diện tích lớn, thường có hình khối phẳng, trải dài, có thể có kèm theo những thiết bị lộ thiên (đối với các xí nghiệp công nghiệp nặng). Tóm lại, kiến trúc của các khối nhà trong khu công nghiệp thường mang vẻ thô ráp và cứng nhắc. Vì vậy, việc tổ chức kiến trúc cảnh quan trong các xí nghiệp công nghiệp sao cho hài hòa, làm giảm bớt được sự khô cứng của hình khối công trình, máy móc, thiết bị cũng là một thách thức lớn cho thiết kế.
Kiến trúc cảnh quan khu công nghiệp
Tổ chức kiến trúc cảnh quan trong khu công nghiệp làm giảm bớt sự thô cứng của hình khối công trình. Tuy nhiên, thiết kế cảnh quan trong khu công nghiệp cũng có một số thuận lợi nhờ diện tích tổng thể khu công nghiệp lớn, giao thông được quy hoạch rõ ràng , có phần đất riêng dành cho cây xanh cách ly, ngoài ra, đặc điểm của khu công nghiệp là có trục không gian mở, các đảo giao thông,… là những vị trí dễ tạo được điểm nhấn cảnh quan. Những không gian mở, trục, đảo giao thông là vị trí thuận lợi để tạo điểm nhấn cảnh quan khu công nghiệp. Cây xanh được chọn trong khu công nghiệp thường là cây có tán rộng để lấy bóng mát, các khu vực điểm nhấn thường kết hợp các loại cây phân tầng tạo nên nhiều màu sắc tươi sáng và sinh động.
Xu hướng thiết kế cảnh quan khu công nghiệp
Khai thác điều kiện địa hình tự nhiên tạo sự gắn kết hài hoà giữa công trình và thiên nhiên trong thiết kế cảnh quan. Cảnh quan khu công nghiệp phải phù hợp với môi trường nơi đặt khu công nghiệp, làm nổi bật đặc điểm khí hậu cảnh quan tự nhiên. Tạo cảnh bằng tổ chức bề mặt địa hình nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng thẩm mỹ. Khai thác các chi tiết kiến trúc nhỏ kết hợp cây xanh, địa hình tạo cảnh quan phong phú.
Đưa các công trình kỹ thuật, kết cấu làm yếu tố thẩm mỹ trong tổ chức kiến trúc cảnh quan, khu công nghiệp sử dụng màu sắc theo đặc điểm tâm sinh lý người lao động, môi trường địa phương, ứng dụng các kết cấu mới, sử dụng vật liệu có khả năng tái sử dụng làm kết cấu bao che và chịu lực. Yếu tố cây xanh được tổ chức trong mặt bằng cảnh quan khu công nghiệp với diện tích tối đa.